Thân thế và buổi đầu sự nghiệp Đỗ_Mười

Đỗ Mười tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, xuất thân trong một gia đình trung nông. Dòng họ Nguyễn Duy của ông Đỗ Mười là hậu duệ Định quốc công Nguyễn Bặc khai quốc công thần nhà Đinh. Bố ông tên là Nguyễn Duy Trinh, sinh được bảy người con (bốn trai, ba gái).[1] Cùng gia tộc có ông Nguyễn Thọ Chân cùng hoạt động cách mạng và vào đảng cùng ngày với Đỗ Mười.[2]

Năm 1936, ông tham gia Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939).[3]

Năm 1937, ông tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai tại Quảng Ninh.

Năm 1938, ông về quê hoạt động, vào Công Hội, vận động phong trào ủng hộ Liên Xô.

Tháng 6/1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (về sau là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1941, ông bị chính quyền Pháp bắt giam và bị kết án 10 năm tù, giam tại Hỏa Lò.

Năm 1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Đỗ Mười vượt ngục (ngày 9 tháng 3), sau đó bắt liên lạc và tham gia Ban khởi nghĩa Tỉnh ủy Hà Đông phụ trách phong trào cách mạng huyện Ứng HoàMỹ Đức. Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, ông phụ trách khởi nghĩa tỉnh Hà Đông.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông.

Đầu năm 1946, ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam.

Cuối năm 1946, làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Nam Định.

Năm 1947, ông được bầu làm Khu uỷ viên Khu III.

Năm 1948 – 1949, ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, sau đó là Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình.

Năm 1950, ông được bầu làm Phó Bí thư Liên Khu uỷ, kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu III ( gồm các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Thái Bình ).

Năm 1952 – 1954, ông được bầu làm Bí thư Khu uỷ khu Tả Ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính và Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn Sông Hồng ( gồm các tỉnh, thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Hải Phòng ).

Sau Hiệp định Genève 1954 và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản kiểm soát miền Bắc, năm 1955, Đỗ Mười được phân công giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng kiêm Chủ tịch Ủy ban quân chính sau đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng (từ 8/1955), làm Trưởng ban chỉ đạo tiếp quản khu "chu vi 300 ngày".

Tháng 3 năm 1955, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (19511960).

Hoạt động trong Chính phủ

Năm 1956, Đỗ Mười được điều động giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng ban Quản lý Thị trường Trung ương.

Thành viên Chính phủ năm 1976

Năm 1958, Bộ Công thương được tách ra thành Bộ phụ trách phần công tác thương nghiệp nội địa và Bộ phụ trách phần công tác ngoại thương.[4] Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách công tác thương nghiệp nội địa, về sau chính thức gọi là Bộ Nội thương.[5]

Từ năm 1961 đến 1969, ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn thanh tra của chính phủ.

Năm 1964, ông tái đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa 3.

Năm 1969, Đỗ Mười được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng.

Năm 1971, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 4, Phó Thủ tướng Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản.

Năm 1973, Đỗ Mười làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi sáp nhập Ủy ban Kiến thiết cơ bản và Bộ Kiến trúc. Ông được phân công làm Trưởng Ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình lớn nhất Đông Nam Á khi đó.

Năm 1975, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 5.

Năm 1976, Đỗ Mười được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa 4, vào Quốc hội khóa 6, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 19761981.

Năm 1977, Đỗ Mười làm Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo công thương nghiệp theo lối xã hội chủ nghĩa tại miền Nam Việt Nam.

Năm 1981, ông làm Đại biểu Quốc hội khoá VII, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 1982, Đỗ Mười được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa 5, tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 1986, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư khóa 6, là đại biểu Quốc hội khóa 8.

Năm 1988, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).